Đọc Một Cuốn Sách tháng 12/2016: "Chiến binh cầu vồng" - Andrea Hirata


Trong 25 ngày đầu tiên của tháng 12, tui đọc được vài cuốn sách, và khá phân vân không biết cuối tháng sẽ review cuốn nào. Cuốn kinh điển thì lại quá quen thuộc với mn nên viết review vô nghĩa, cuốn thấy hay thì nó lại quá nặng về chính trị (nói chuyện chính trị là dưa leo viên vào đâm cho nát ass), cuốn của tác giả nổi tiếng thì không  quá ấn tượng. May là trong 3 ngày tiếp theo, tui có đọc cuốn "Chiến binh cầu vồng" của tác giả Andrea Hirata, nên là tui sẽ review nó. Cuốn sách tôn vinh cuộc đấu tranh cho quyền được học tập của mọi con người, đồng thời cũng kể một câu chuyện tuổi thơ với tình cảm bạn bè, thầy cô đầy sắc màu và đáng nhớ.

Bìa sách xuất bản tại VN
Mở đầu là lễ khai giảng ở ngôi trường làng Muhammadiyah hòn đảo Belitong, Indonesia. Nếu không có đủ 10 em đến nhập học, trường sẽ phải đóng cửa, chấm dứt ước mơ được đến trường của những đứa trẻ chưa từng đi học và của 1 cô giáo 15 tuổi cũng chưa từng đi dạy. Nhưng may mắn thay, ngôi trường xiêu vẹo ấy cũng có đủ 10 em học sinh mới, để có thể tiếp tục thách thức những lời đe doạ đóng cửa từ ông thanh tra giáo dục, từ công ty khai thác khoáng sản. Mười đứa trẻ, mười hoàn cảnh, mười câu chuyện hội tụ bên nhau, trèo lên cây filicium sau mỗi cơn mưa để ngắm cầu vồng.

Ở trường Muhammadiyah, cuộc đấu tranh không bao giờ là đơn giản, không có ai trả lương, nhưng 2 giáo viên duy nhất của trường vẫn chật vật với những công việc để mưu sinh và tiếp tục theo đuổi đam mê dạy học, như lời thấy Harfan "Học không phải là phương tiện để thăng tiến, kiếm tiền hay làm giàu. Thầy xem học tập là ca tụng nhân bản, là thanh cao, là niềm vui khi cắp sách đến trường và là ánh sáng văn minh." Niềm đam mê dạy học ấy cũng đã giúp cho cô Mus có đủ can đảm, nghị lực để đối đầu với cường quyền, để bảo vệ ngôi trường, lúc đó đã xập xệ lắm rồi, khi mà công ty PN muốn phá sập ngôi trường để đào thiếc. Cô Mus, cũng như thầy Harfan ngày trước, yêu quý học trò và quyết tâm không cho chúng mất đi sự học. Cô đến từng nhà, lặn lội lên đồn điền cao su, đi thuyền ra các hòn đảo nơi học trò của cô đang làm culi nhặt tiêu, nạo dừa... để thuyết phục chúng đến trường trở lại: "Đối với cô, chỉ mất một học trò thôi là coi như cô mất cả nửa linh hồn."

Cuốn sách cũng cho thấy rằng, đứng trước những khó khăn khắc nghiệt mà vòng xoáy tiền bạc giăng ra, không phải ai cũng chiến thắng. Lintang đã nghỉ học. Lintang - cậu học trò mỗi ngày đạp xe 80 cây số qua rừng rập và đầm lầy để đến trường mà không bỏ một buổi nào; Lintang - người đã chiến thắng bọn học sinh trường công và trường PN trong cuộc thi học sinh giỏi; Lintang - người đã làm cho bạn bè của mình dám ước mơ, người đã cho cô Mus thêm nghị lực để bảo vệ mái trường; đã nghỉ học. Cậu học trò nhỏ phải bươn chải vì miếng ăn của 14 con người trong gia đình sau cái chết của cha. Bạn bè và thầy cô cũng quá nghèo không ai có thể giúp được. "Isaac Newton của tôi đã quy hàng số phận."

Nhưng cuốn sách còn nói, đừng bỏ cuộc. Nhiều năm sau, khi mà ước mơ đã thất bại, kế hoạch A, kế hoạch B của lũ nhóc dành cho cho cuộc đời đã bị quăng quật đi đâu rất xa, Ikal - nhân vật "tôi" -  tìm thấy niềm vui khi đi học trở lại, 1 học bổng thạc sĩ ở châu Âu mà anh đã phải nỗ lực rất nhiều. Tui xin trích thêm 1 câu nữa từ cuốn sách "Một cuộc sống làm lụng vất cả cũng giống như lấy trái từ trong một cái giỏ mà hai mắt đều bị bịt. Dù cuối cùng ta lấy được trái gì thì ít nhất ta cũng đã có trái. Trong khi đó, cuộc sống không phải làm lụng vất vả thì cũng giống như tìm một con mèo đen trong căn phòng tối om với hai mắt nhắm tịt, mà con mèo thì không có ở đấy."

Link youtube cho bộ phim chuyển thể từ sách này: https://www.youtube.com/watch?v=U6dWqC42qic

Sách khác đã đọc trong tháng 12/2016:
"Đài Loan - Tiến Trình Hóa Rồng" - Hoàng Gia Thụ: đọc đi cho biết, có nhiều cái giống VN dễ sợ
"The Winner Stands Alone" - Paulo Coelho
"Trăm năm cô đơn" - Gabriel Garcia Marquez

Comments

Popular posts from this blog

New Admob for Android: Switching from Admob SDK to Google Play Services API

How to wrap a C# library for using in Java, a folk tale about an idiot coding at midnight.